Hội thảo khoa học “Xe quốc tế - Ý nghĩa văn hóa và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự”
Chiều ngày 29/6/2018, tại Bảo tàng Hậu cần QĐND Việt Nam, Tổng cục Hậu cần tổ chức Hội thảo khoa học “Xe quốc tế - Ý nghĩa văn hóa và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự”. Đại tá Đỗ Thanh Phong - Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Hậu cần chủ trì Hội thảo
Tham dự Hội thảo còn có Thiếu tướng Nguyễn Văn Điều - Cục Trưởng Cục Vận tải/TCHC; Thiếu tướng. TS Nguyễn Xuân Năng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Ủy viên Hội đồng DSVH Quốc gia; Đại tá Nguyễn Ngọc Hùng - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Hậu cần; Đại tá, PGS.TS Dương Hồng Anh - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam; PGS.TS Phạm Mai Hùng - Ủy viên Hội đồng DSVH Quốc gia. Cùng dự có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại diện các cơ quan chức năng thuộc Tổng cục Hậu cần.
Hiện vật Xe Quốc tế tại gian trưng bày Bảo tàng Hậu cần |
Xe ô tô quốc tế (Xe quốc tế) do phái đoàn Mậu dịch Thống nhất Quốc phòng Việt Nam lắp ráp và hoàn thành năm 1949. Chiếc xe ô tô là một trong những “kỳ tích” của những cán bộ phái đoàn Mậu dịch Thống nhất Quốc phòng. Chỉ trong thời gian ngắn, tổ thợ của phái đoàn đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để tổ chức thu gom, tháo gỡ vật tư, phụ tùng, thiết bị các xe bị hỏng của Pháp để lại trong Chiến dịch Thu Đông 1947, rồi tổ chức lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc xe vận tải cơ giới đầu tiên của Quân đội ta, với máy xe của hãng Ford (Mỹ), buồng lái của hãng Studebarker (Đức), sát-xi của hãng Renault (Pháp) với động cơ chạy bằng than củi… Do chiếc xe được lắp ráp từ nhiều bộ phận của nhiều loại thuộc nhiều nước khác nhau nên chiếc xe được phái đoàn Mậu dịch Thống nhất Quốc phòng đặt tên là “Xe quốc tế”. Sau khi được lắp ráp thành công, chiếc xe đã góp phần đắc lực vào công tác vận tải của quân đội ta, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngành hậu cần quân đội lúc bấy giờ. Đặc biệt, “Xe quốc tế” vinh dự được đưa đón Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khi Người công tác trên Chiến khu Việt Bắc và một số khách quốc tế...
Đại tá Đỗ Thanh Phong phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Đỗ Thanh Phong cho rằng “Xe quốc tế” là sản phẩm văn hóa, do tinh thần lao động và sức sáng tạo của con người làm ra, thể hiện rõ thái độ ứng xử văn hóa của toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta. Với tư tưởng chiến tranh nhân dân, lấy yếu thắng mạnh. Qua đó đã nêu bật ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn trong việc quyết tâm thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, giành độc lập tự do cho dân tộc. Lắp ráp thành công “Xe quốc tế” là cơ sở, là yếu tố cấu thành nền móng để xây dựng và phát triển ngành Xe - Máy quân sự, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và phục vụ chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hội thảo nhận được 12 bài viết tham luận của các tướng lĩnh, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các thành viên trong Hội đồng DSVH Quốc gia, trong đó có 9 tham luận được trình bày trực tiếp. Nội dung các tham luận phản ánh toàn diện, sâu sắc về chủ đề của hội thảo và nhấn mạnh, làm rõ những nội dung: Dấu ấn lịch sử, hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa lịch sử văn hóa của “Xe quốc tế”; Hội thảo đã phân tích tính độc đáo của hiện vật “Xe quốc tế”; Việc bảo tồn và phát huy giá trị của hiện vật “Xe quốc tế” trong hệ thống di sản văn hóa ngành Hậu cần Quân đội.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Các ý kiến tham luận đều phát biểu đi sâu vào mục tiêu định hướng của Hội thảo đề ra; Những ý kiến phát biểu tại hội thảo có nội dung khoa học phong phú nêu bật được ý nghĩa lịch sử, văn hóa - đây là những thông tin tư liệu quý báu phản ánh trung thực khách quan, khoa học, để củng cố, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ hiện vật “Xe quốc tế”, đồng thời khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của hiện vật “Xe quốc tế” trong lịch sử Ngành Hậu cần Quân đội nói chung Việt Nam, công tác vận tải quân sự và ngành Xe - Máy Quân sự nói riêng. Trên cơ sở các ý kiến tham luận, Bảo tàng Hậu cần - đơn vị chủ quản đã tiếp thu những ý kiến tham luận trong hội thảo, đồng thời bổ sung, hoàn thiện thông tin hồ sơ hiện vật “Xe quốc tế” và triển khai thực hiện nhằm bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa, lịch sử của hiện vật “Xe quốc tế”./.
Nguồn: Trần Sâm - Bảo tàng Hậu cần
0 comments:
Đăng nhận xét