Bộ quần áo Bác Hồ của Xí nghiệp May 10 may tặng |
Ngày 08 tháng 01 năm 1959, Xí nghiệp May 10 (Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam) vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người lần lượt đi thăm từng phân xưởng sản xuất cho đến nhà ăn tập thể, nhà trẻ của xí nghiệp. Cán bộ và công nhân Xí nghiệp May 10 vô cùng xúc động trước tình cảm của Bác Hồ dành cho đơn vị. Trước mắt mọi người, hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vô cùng gần gũi và giản dị. Bác Hồ mặc trên người bộ quần áo kaki bạc màu, sờn tay áo.
Khi đó không ai bảo ai, mọi người đều muốn được may tặng Bác một bộ quần áo để tỏ lòng kính yêu. Một đồng chí cán bộ của xưởng mạnh dạn đề nghị với đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Bác về ý định đó. Sau một hồi suy nghĩ, đồng chí Vũ Kỳ nói: “Bác sắp đi thăm Inđônêxia nhưng quần áo của Bác đã cũ, các cậu có thể may biếu Bác một bộ. Ngày mai tôi sẽ đưa bộ quần áo của Bác xuống làm mẫu nhưng với một điều kiện là phải hết sức giữ bí mật. Đường kim mũi chỉ quần áo cũ của Bác thế nào, dù cong hay thẳng thì các cậu cứ may y như thế. Và phải làm sao cho vải cũ như màu quần áo của Bác. Nếu phát hiện thấy áo khác đi, áo mới may là “Ông Cụ” không mặc đâu!”.
Bác Hồ thăm Xí nghiệp May 10 ngày 08 tháng 01 năm 1959. |
Đến khi bắt tay vào cắt mới thấy hết sức nan giải vì không được tháo rời bộ quần áo mẫu. Những người thợ bèn cắt theo phương pháp quy vuông, nghĩa là trải vải mới chồng lên bộ cũ, đo rồi vạch ra giấy từng phần một. Từ thân trước, tay, cổ, thân sau của áo, sau đó dùng dao cắt vải bằng tay. Vậy mà từng phần của bộ quần áo sau khi khớp vào giống y hệt bộ quần áo cũ của Bác. Tuy nhiên, bộ quần áo cũ của Bác Hồ có đường may bị lệch, nên khi cắt phải khắc phục nhược điểm trên nhưng thật khéo léo để Bác không nhận ra. Sau đó, ông Tăng cùng anh em công nhân chọn bộ cúc giống bộ quần áo cũ của Bác từ Kho 205 và hoàn thiện.
Sau hơn một tháng lao động miệt mài, cắt đi cắt lại nhiều mẫu, các đồng chí đã chọn hai mẫu giống nhất để may. Sau khi may xong, Thư ký Vũ Kỳ về nhận hai bộ quần áo. Đồng chí Cù Văn Chước, người phục vụ của Bác đã lấy một bộ để lên chiếc bàn nhỏ kê ở góc nhà sàn. Hôm ấy, Bác ăn cơm trưa về, đồng chí Chước liền thưa với Bác: “Anh chị em công nhân may 10 tiết kiệm được vải, may biếu Bác bộ quần áo với tất cả tấm lòng thành, mong Bác vui lòng nhận cho”. Bác cầm bộ quần áo lên xem và khen may đẹp.
Mọi người rất mừng vì Bác đã nhận, song rất băn khoăn không biết Bác có mặc không. Ít lâu sau, đồng chí Vũ Kỳ cho anh chị em biết, nhiều lần đồng chí phục vụ đề nghị Bác dùng bộ áo mới nhưng với đức tính giản dị, tiết kiệm nên Bác đều từ chối. Cho đến dịp đi thăm nước Cộng hòa Inđônêxia, áo của Bác bị đứt cúc, lúc đó đồng chí Vũ Kỳ đưa bộ áo mới của Xưởng may 10 và đề nghị Bác mặc với lý do anh không mang theo kim chỉ nên không thể đính lại cúc áo. Thấy thế Bác mỉm cười và nói: “Thế là chú cố ép Bác mặc áo mới. Nhưng chú nên nhớ rằng làm sao có thể thi sang với người ta được, mình phải biết tiết kiệm, dân mình còn đang nghèo lắm”.
Ngày 24 tháng 02 năm 1959, Bác liền đánh máy bức thư gửi cán bộ, nhân viên Xưởng may 10. Trong thư Bác viết: “Cám ơn các cô các chú đã biếu Bác bộ quần áo. Bác nhận rồi, nay Bác gửi bộ quần áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua. Khi nào đợt thi đua kết thúc do các cô các chú bình nghị, ai khá nhất thì được giải thưởng ấy. Chúc các cô các chú vui vẻ, mạnh khỏe, đoàn kết, tiến bộ”.
Nhận được thư Bác, một phong trào thi đua sôi nổi trong toàn xưởng may. Với khẩu hiệu “Ngày không giờ, tuần không thứ”, “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”, anh chị em công nhân quyết tâm khắc phục khó khăn, lập thêm thành tích để đáp lại tình cảm của Bác. Ngày ấy, đời sống công nhân thiếu thốn và khó khăn về cơ sở vật chất, nhà xưởng làm bằng tranh tre nứa lá, máy móc lạc hậu nhưng làm việc vô cùng nhiệt tình và trách nhiệm. Nhiều người đạt năng xuất cao được tặng cờ đỏ treo ở cọc chỉ đầu máy. Phong trào đã thành ý thức tự giác và sức mạnh của tập thể được nhân lên gấp bội. Hồi ấy, trong đêm khuya, tiếng máy trong các phân xưởng vẫn reo vui rộn rã hòa với tiếng hát “đường kim của em theo anh bộ đội, để bảo vệ non sông”…
Ngay sau khi Bác mất, đồng chí Trường Chinh được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ chỉ đạo may quần áo cho Người. Ngày đó, những hiệu may nổi tiếng nhất Hà Nội được may quần áo cho Người. Song tất cả các sản phẩm ấy đều không được duyệt vì chất liệu không phù hợp với đức tính giản dị của Bác. Sau khi cân nhắc, vinh dự này được giao cho Xí nghiệp May 10. Và không ai khác, ông Phạm Huy Tăng và Trần Văn Quảng được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ may quần áo để Bác mặc trong Lăng.
Xác định nhiệm vụ lịch sử nặng nề nhưng vinh quang, bằng tất cả lòng kính trọng đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, hai người đã thức trắng đêm, vừa làm vừa khóc và sau hai ngày công việc đã hoàn thành. Ông Tăng chia sẻ: “Lúc đó chúng tôi đâu biết rằng chuyên gia Liên Xô và các cán bộ khoa học kỹ thuật chịu trách nhiệm gìn giữ thi hài Bác đã kiểm tra hết sức cẩn thận từng đường kim mũi chỉ, từng sợi vải bằng nhiều loại máy móc hiện đại”. Quần áo hai ông may được kiểm tra kỹ lưỡng và mọi thông số kỹ thuật đều đáp ứng yêu cầu của chuyên gia và đã được Bộ Chính trị phê duyệt.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước non sum họp một nhà, thể theo nguyện vọng của bảo tàng các tỉnh trong Nam, Xí nghiệp May 10 đã may tặng mỗi tỉnh một bộ quần áo theo mẫu quần áo của Bác. Những mẫu này đều do ông Tăng may tặng. Trong đó, bộ quần áo Bác Hồ hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần QĐND Việt Nam là bộ quần áo Xí nghiệp May 10 may tặng Bác Hồ năm 1959.
Bác Hồ của chúng ta là vậy, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài “Bác ơi”: “Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sa”. Nay Bác đã đi xa, nhưng tình cảm Bác giành cho bộ đội hậu cần vẫn còn đọng nguyên trong tâm trí mỗi người. Để đáp lại tình cảm của Bác, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiễn sĩ, công nhân viên ngành hậu cần quân đội đã và đang nỗ lực vượt mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tư tưởng Hồ Chí Minh./.
Nguồn: Trần Thị Sâm – Bảo tàng Hậu cần
0 comments:
Đăng nhận xét