Ngày 04/4/1959, ngành Hậu cần Quân đội có vinh dự lớn được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đến tham quan Triển lãm sáng kiến cải tiến kỹ thuật hậu cần toàn quân.
Tại đây, Người đã có những chỉ dạy quan trọng đối với ngành Hậu cần Quân đội nói chung và công tác sưu tầm, trưng bày triển lãm nói riêng. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này, năm 2009, Thủ trưởng TCHC đã ký quyết định lấy ngày 04/4/1959 làm Ngày Truyền thống Bảo tàng Hậu cần Quân đội.
Thành tích nổi bật
Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy TCHC, trực tiếp là Đảng ủy, chỉ huy Cục Chính trị/TCHC, Bảo tàng Hậu cần luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm. Thành tích nổi bật là: Đã tổ chức được hơn 400 cuộc trưng bày, triển lãm lớn ở cấp quốc gia, toàn quân, toàn Ngành và trong Tổng cục, nhân các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, Quân đội và ngành Hậu cần Quân đội; phục vụ hàng triệu lượt bộ đội, nhân dân và khách quốc tế tới tham quan, học tập, tìm hiểu truyền thống Quân đội và ngành Hậu cần Quân đội. Tiêu biểu là Triển lãm “Tuyến Hậu cần chiến lược - đường Hồ Chí Minh lịch sử” nhân dịp kỷ niệm 25 năm đường Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Huế (năm 1994), thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế tham quan, được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; Triển lãm “Công tác bảo đảm Hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ” nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1994); Triển lãm “Những thành tựu của ngành Hậu cần Quân đội trong 50 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” tại Giảng Võ - Hà Nội... Tại các cuộc triển lãm này, Bảo tàng Hậu cần đã vinh dự được đón các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cùng hàng chục vạn lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham quan trưng bày sáng kiến cải tiến kỹ thuật của ngành Hậu cần, ngày 04/4/1959. Ảnh tư liệu. |
Để nâng cao chất lượng công tác trưng bày triển lãm hậu cần, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, xây dựng ngành Hậu cần trong thời kỳ mới, năm 2000, Bảo tàng Hậu cần được Bộ Quốc phòng ra quyết định xếp hạng II, nằm trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam. Năm 2003, được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới với quy mô lớn tại Mỹ Đình-Nam Từ Liêm-Hà Nội. Cùng với quá trình đầu tư xây dựng, Bảo tàng Hậu cần đã tích cực, chủ động đẩy mạnh công tác sưu tầm hiện vật và tổ chức trưng bày theo đề cương chính trị, đề cương trưng bày đã được cấp trên phê duyệt. Đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy Cục Chính trị, TCHC tổ chức phát động phong trào “Hiến tặng kỷ vật kháng chiến của ngành Hậu cần Quân đội”, đã tổ chức 10 lần tiếp nhận với trên 3.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị lịch sử. Đến nay, Bảo tàng Hậu cần đang quản lý, lưu giữ trên 17.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh lịch sử về ngành Hậu cần Quân đội, đó là những tài liệu, hình ảnh Bác Hồ chăm lo, dạy bảo ngành Hậu cần Quân đội “Phải làm thế nào, một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đến thẳng chiến sĩ”. Trong phần trưng bày của Bảo tàng Hậu cần còn thể hiện nội dung về công tác hậu cần trong thời kỳ dựng nước và giữ của dân tộc, tiêu biểu là chiếc nồi ba chân, âu, liễn, thạp, lò…của các triều đại trong lịch sử dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với các hiện vật tiêu biểu là áo trấn thủ, cuốc xẻng đào hầm ở Điện Biên. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là bộ sưu tập những trang bị của bộ đội đi chiến trường B; các kỷ vật của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh như trang phục, đồ dùng của bộ đội Trường Sơn, từ cây gậy đến cái kim khâu, lọ tăm, máy bơm; những đường ống xăng dầu; những bộ dụng cụ phẫu thuật. Đó là chiếc xe ô tô quốc tế đã vinh dự chở Bác Hồ trong Chiến dịch Biên giới 1950; chiếc xe CA-10 chở bộ đội trinh sát, đặc công tiến đánh Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975… Đây là những “hiện vật biết nói”, phản ánh phong phú, sâu sắc về công tác hậu cần trong những chặng đường lịch sử. Những hiện vật đó được lưu giữ, trưng bày, giới thiệu bằng khoa học, nghệ thuật trưng bày sắp đặt với những tổ hợp không gian theo chuyên đề, có sự hỗ trợ, kết hợp của mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng… đã thực sự mang lại cho người xem những ấn tượng, cảm nhận chân thực về truyền thống Bộ đội Hậu cần nói riêng và của toàn dân ta nói chung.
Không chỉ làm tốt công tác sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, triển lãm, Bảo tàng Hậu cần còn chủ động tham gia tổ chức bảo tồn, tôn tạo 05 khu di tích lịch sử của Tổng cục tại Thanh Định, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), tại Mường Phăng, Điện Biên Phủ, Cục Hậu cần miền B2 (Bình Phước); giúp các đơn vị trong và ngoài Tổng cục trang trí, trưng bày được 50 nhà, phòng truyền thống và phòng Hồ Chí Minh đạt kết quả tốt. Những năm qua, Bảo tàng Hậu cần đã tổ chức tiếp nhận 57 lượt sinh viên các trường đại học đến thực tập, nghiên cứu làm luận án tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân văn hóa về lịch sử truyền thống của ngành Hậu cần Quân đội... Biên tập, xuất bản 526 cuốn sách “Những kỷ vật Hậu cần Quân đội”. Tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo khoa học về hậu cần, trong đó có Hội thảo hiện vật “Xe ô tô quốc tế”, cung cấp đủ căn cứ, cơ sở khoa học, trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận “Xe Quốc tế” là Bảo vật quốc gia.
Nâng cao chất lượng phục vụ
Quá trình phát triển, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hậu cần đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện nay, 100% cán bộ, nhân viên có trình độ đại học theo đúng chuyên ngành về văn hóa, bảo tàng, du lịch, mỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn, trong đó có 01 đồng chí có học hàm tiến sỹ, 01 đồng chí thạc sĩ. Phương pháp phục vụ cũng luôn được đổi mới theo hướng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ trình chiếu, các phương pháp trưng bày hiện đại, sinh động nhằm thu hút người xem. Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội, ngành Hậu cần, đơn vị còn tổ chức các đợt triển lãm lưu động, đưa hình ảnh, tư liệu, hiện vật xuống các đơn vị trong toàn quân để trưng bày, triển lãm phục vụ, được bộ đội rất hoan nghênh đánh giá cao. Những năm gần đây, nhu cầu tham quan của du khách trong nước, quốc tế ngày càng cao. Bảo tàng Hậu cần đã chủ động liên kết với các công ty du lịch đón các đoàn khách đến tham quan; tăng cường đăng tin, bài, ảnh trên mạng internet. Tăng cường kết nghĩa với các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội để đưa học sinh, sinh viên đến tham quan học tập truyền thống rất hiệu quả. Đồng thời tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, củng cố doanh trại. Mặc dù còn nhiều khó khăn song 5 năm gần đây, đơn vị đã quyên góp hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng “Nhà tình nghĩa”; thăm và tặng quà đối tượng chính sách trên địa bàn đơn vị đóng quân, hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”... Những việc làm trên đã tô đẹp thêm hình ảnh của Bộ đội Hậu cần, xây dựng Bảo tàng Hậu cần khang trang, hiện đại, chính quy, xanh, sạch, đẹp, con người thân thiện, niềm nở, hiếu khách và có tinh thần trách nhiệm cao trước xã hội, cộng đồng. Đây chính là lý do Bảo tàng Hậu cần ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, học tập và tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học... Năm 2018, lượng du khách tới tham quan Bảo tàng Hậu cần đạt 85.000 lượt người, tăng 50 nghìn người so với năm 2013.
Ghi nhận thành tích nổi bật đó, 60 năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Bảo tàng Hậu cần 01 Huân chương Chiến công hạng Nhì (1984); 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2018); 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2012); 04 cờ và bằng khen của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Riêng từ năm 2008 đến nay, đơn vị đã 10 lần được TCHC tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hậu cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, học tập của bộ đội và du khách, góp phần xây dựng ngành Hậu cần, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đại tá Đào Hải Triều, Giám đốc Bảo tàng Hậu cần
0 comments:
Đăng nhận xét