Bảo tàng Hậu cần trực thuộc Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam thuộc loại hình lịch sử quân sự chuyên ngành hậu cần có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của ngành hậu cần quân đội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc....

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

Tagged Under:

Lan tỏa giá trị lịch sử và truyền thống

Share

Lịch sử phát triển của mỗi quốc gia, bảo tàng là một thiết chế văn hóa, là nơi lưu giữ các giá trị mang tính chất lịch sử tiêu biểu thuộc về quá khứ.

Trong hệ thống các bảo tàng quân đội, Bảo tàng Hậu cần không chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu lịch sử, văn hóa của quân đội Việt Nam nói chung và ngành hậu cần quân đội nói riêng trong thời chiến và cả thời bình mà còn là địa điểm giáo dục lịch sử truyền thống hữu hiệu với người xem.

Sức hút từ những hiện vật vô giá

Tham quan không gian trưng bày tại bảo tàng, chúng tôi như được sống trong thời kỳ đất nước chìm trong khói lửa bom đạn. Với giọng thuyết minh trầm ấm, cuốn hút người nghe, Thiếu tá QNCN, thuyết minh viên Nguyễn Thu Huyền không chỉ giúp người xem “thực mục sở thị” từng hiện vật mà còn khiến du khách xúc động nghẹn ngào bởi mỗi hiện vật chị giới thiệu là một câu chuyện xúc động về sự hy sinh, tinh thần quả cảm đấu tranh chống kẻ thù xâm lược của các chiến sĩ.

Dừng chân trước hiện vật là một đoạn trong tuyến đường ống xăng dầu đã vượt qua mưa bom, bão đạn, núi cao, sông sâu, được coi là “huyền thoại của huyền thoại” của bộ đội ta trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chúng tôi vô cùng thán phục thế hệ các chiến sĩ năm xưa đã hy sinh bao xương máu để thực hiện tuyến đường ống xăng dầu này. Chỉ trong vòng hơn 6 năm (6-1968 đến 2-1975), những người lính xăng dầu đã làm nên một “đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất” dài gần 5.000km và hệ thống kho xăng dầu gần 3 vạn tấn từ biên giới Việt - Trung vào đến Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước bằng những phương tiện thô sơ và sức người là chính. Tuyến đường ống xăng dầu này mãi là niềm tự hào của các chiến sĩ bộ đội hậu cần trong chiến tranh.

Xe ô tô Quốc tế (ngoài cùng bên trái) đã được công nhận Bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần.

Trong số các hiện vật quý đang trưng bày tại bảo tàng có xe ô tô "Quốc tế" được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2018. Xe ô tô "Quốc tế" vinh dự được chở Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một số lần Người đi công tác ở Chiến khu Việt Bắc và một số khách quốc tế, trong đó có đồng chí Lê-ô-Phighe, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp trong dịp đến thăm căn cứ địa Việt Bắc năm 1950. Khi được đi xe “Quốc tế”, đồng chí Lê-ô-Phighe hết sức khâm phục trí thông minh sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, trình độ kỹ thuật cao của cán bộ, công nhân trong lực lượng xe máy, vận tải của quân đội ta.

Xe ô tô “Quốc tế” là hiện vật độc bản đầu tiên, là minh chứng cho lòng quyết tâm quả cảm, trí thông minh sáng tạo và tinh thần khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn về vật chất trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tạo nên kỳ tích mang dấu ấn thời đại.

Khi được xem những hiện vật trưng bày tại bảo tàng, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu bộc bạch: Tôi rất xúc động khi các đồng chí đã lưu giữ được nhiều hiện vật chiến tranh để giáo dục cho thế hệ người Việt Nam phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống của quân đội và nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Các chiến sĩ tham quan không gian trưng bày lưu động của Bảo tàng Hậu cần tại Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam

Là thế hệ sinh ra trong hòa bình, khi được xem các hiện vật của ngành hậu cần quân đội và nghe các câu chuyện về những hiện vật đó, học viên Nguyễn Anh Tuấn (Học viện Hậu cần) chia sẻ: Tôi vô cùng xúc động và tự hào khi được tìm hiểu những hiện vật có ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn trưng bày tại bảo tàng. Đó là những minh chứng sống động của quân và dân ta. Tôi rất biết ơn ngành hậu cần quân đội đã lưu giữ những hiện vật này để thế hệ hiện tại và tương lai hiểu rõ hơn về một thời hào hùng của thế hệ đi trước.

Để hiện vật cất lên “tiếng nói”

Mỗi hiện vật đều gắn một với câu chuyện lịch sử cụ thể. Vì thế, để hút khách tham quan thường xuyên đến bảo tàng thì ngoài giá trị của hiện vật còn là cách thể hiện các câu chuyện xung quanh những hiện vật trưng bày với người xem. Để những hiện vật cất lên “tiếng nói”, chạm vào trái tim người xem thì những cán bộ, thuyết minh viên của bảo tàng phải thường xuyên đọc, tham khảo các tư liệu lịch sử để thay đổi cách dẫn, cách kể sao cho thuyết phục và người xem cảm nhận giá trị của từng hiện vật đó.

Trong số những hiện vật mà Bảo tàng Hậu cần đang lưu giữ còn có khoảng 150 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Bác Hồ. Đây là những tư liệu vô cùng quý giá, mỗi hiện vật đều gắn liền với một câu chuyện về Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Vì thế, trước khi đưa ra trưng bày, giới thiệu với người xem, những cán bộ, nhân viên của Bảo tàng Hậu cần đã nghiên cứu và tìm hiểu rất kỹ về sự ra đời của từng hiện vật để chuyển tải đến người xem những thông tin hữu ích, chính xác nhất.

Trong số những hiện vật về Bác Hồ phải kể đến chiếc ống tai nghe của Người. Trong một lần sang Pháp, Bác được tặng chiếc ống tai nghe. Khi về nước, Bác đã tặng cho ngành hậu cần quân đội để trực tiếp khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân. Ngoài ra, còn có chiếc đồng hồ của Bác Hồ đã tặng anh hùng Cao Văn Thần là lái xe xuất sắc của ngành hậu cần quân đội; chiếc phù hiệu do tự tay Bác làm để tặng những chiến sĩ lái xe trong chiến dịch Điện Biên Phủ có thành tích xuất sắc nhất; chiếc đài mà Bác đã tặng cho một đại đội vận tải trong kháng chiến chống Mỹ, có thành tích xuất sắc...

Dẫn chúng tôi tham quan, giới thiệu các hiện vật của bảo tàng, dừng lại bên mô hình nhà sàn Bác Hồ do các chiến sĩ Tổng cục Hậu cần Quân đội thực hiện, giọng Thiếu tá QNCN, thuyết minh viên Nguyễn Thu Huyền chậm lại, xúc động, nghẹn ngào, chị đã truyền được cảm xúc với người xem thông qua hình ảnh ngôi nhà đơn sơ cũng như đức tính giản dị, cả cuộc đời dành cho Tổ quốc, cho nhân dân của Bác.

Đến Bảo tàng Hậu cần, khách tham quan đều xúc động khi đứng trước bộ sưu tập hiện vật gồm: Máy kích thích phá rung tim, máy thở tự động mà các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã sử dụng để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác trong những ngày tháng cuối cùng trước khi Người từ biệt thế giới này để đi vào cõi vĩnh hằng.

“Những hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trưng bày tại bảo tàng hoặc mang đi trưng bày lưu động ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đều nhận được sự quan tâm của đông đảo người xem. Đặc biệt, tại triển lãm Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), Bảo tàng Hậu cần phối hợp với Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề “Hậu cần Quân đội -  50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại Trung Tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội); với hơn 160 hình ảnh, hiện vật, tư liệu, triển lãm đã giới thiệu chân thực, sinh động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và khẳng định giá trị to lớn của bản Di chúc Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đồng thời, giới thiệu khái quát về những đóng góp, những thành tích nổi bật của ngành Hậu cần Quân đội trong 50 năm thực hiện tốt lời dạy và Di chúc của Người”, Thượng tá Nguyễn Xuân Viễn, Giám đốc Bảo tàng Hậu cần cho biết.

Với gần 18 nghìn hiện vật liên quan đến ngành hậu cần quân đội trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Hậu cần, nơi đây hiện còn đang trưng bày 1 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia; khoảng 150 tài liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh; sưu tầm và phục chế hơn 1.000 hiện vật về trang phục Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ... Đặc biệt, năm 2012, Bảo tàng Hậu cần đã tiếp nhận hơn 3.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị lịch sử, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

0 comments:

Đăng nhận xét

Need an Invite?

Want to attend the wedding event? Be our guest, give us a message.

Tên Email * Thông báo *

Our Location

Đánh giá chúng tôi trên Google Map: https://g.page/r/CaiU9OZINlNdEBM/review