BÀI DỰ THI
Tìm hiểu Truyền thống 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Câu 1: Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền
thân của Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập ngày, tháng, năm nào? ở đâu? do
ai làm Đội trưởng và Chính trị viên đầu tiên? Tư tưởng chỉ đạo khi thành lập Đội
Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là gì?
Trả lời
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải
phóng quân được thành lập Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa
Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà
Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) do đồng chí Hoàng Sâm được
cử làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên.
Tư tưởng chỉ đạo khi thành lập Đội
Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là “Vì muốn hành động có kết quả thì về
quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng,cuộc kháng chiến của
ta là cuộc kháng chiến toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn
dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải
duy trì LLVT trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi
phương diện;đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về
huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm,
liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến”. Đội
Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có chi bộ Đảng lãnh đạo. Chỉ có 34 người,
với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong
các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân,... là con em các tầng lớp nhân
dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ
thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi.
Câu 2: Khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng
thành và những chiến công nổi bật của Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi thành lập
đến nay?
Những
chặng đường vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trả lời
Thành lập đội Việt Nam tuyên truyền
giải phóng quân (22/12/1944):
Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành
lập tại một khu rừng giữa 2 tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu
Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ, trang bị 34 khẩu súng, chia
thành 03 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng,
đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Ngày 22/12 được xác định là Ngày thành
lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày Hội Quốc phòng toàn dân.
Những chiến công nổi bật của Quân
đội nhân dân Việt Nam:
1.
Chiến
thắng Phai Khắc và Nà Ngần (ngày 25
và 26/12/1944):
Ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam
tuyên truyền giải phóng quân cải trang dùng mưu tập kích diệt đồn Phai Khắc thuộc
tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tiếp đó, ngày 26/12, Đội đánh Đồn
Nà Ngần (cách Phai Khắc 15 km về phía Đông Bắc).
2.
Một số chiến thắng đầu tiên của Nam bộ kháng chiến:
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp có
quân Anh tiếp sức đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm
lược nước ta lần thứ hai. Ngay trong những ngày đầu, quân và dân Sài Gòn đã lập
được nhiều chiến công xuất sắc, đã tiêu hao sinh lực địch, phá huỷ một phần cơ
sở của chúng. Nổi bật là các trận đánh ở Thị Nghè, cầu Bến Phân, đánh phá Khám
lớn Sài Gòn, đốt cháy tàu Pháp vừa cập bến Sài Gòn.
2.1. Một số chiến công mở đầu cuộc
kháng chiến toàn quốc (19/12/1946)
Đêm 19 rạng 20/12/1946, tiếng súng
kháng chiến bắt đầu nổ ra ở Hà Nội, mở đầu thời kỳ cả nước kháng chiến chống
Pháp xâm lược. Với tinh thần "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh", các chiến
sĩ vệ quốc quân, công an xung phong, tự vệ chiến đấu đánh địch rất dũng cảm.
Nhiều trận đánh quyết liệt đã diễn ra ở Bắc Bộ Phủ, Nhà ga, cầu Long Biên, chợ
Đồng Xuân.
Cùng với Hà Nội, quân và dân ta ở
nhiều thành phố khác cũng tiến công và vây hãm địch.
2.2. Chiến thắng Việt Bắc (17/10 đến
22/12/1947)
Ngày 17/10/1947, giặc Pháp huy động
2 vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ cuộc tiến công lớn lên Bắc Việt,
hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, kết thúc "chớp
nhoáng" cuộc chiến tranh xâm lược. Quân và dân Việt Bắc đã liên tiếp đánh
chặn và phản công tiêu diệt địch ở khắp nơi, nổi bật là các trận Bình Ca (Tuyên
Quang), Bông Lau (Cao Bằng), Đoan Hùng, Khu Lau trên sông Lô.
2.3.
Chiến thắng Biên giới (16/9 đến 14/10/1950)
Ngày 07/7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh về
chiến dịch Biên giới Cao-Lạng (chiến dịch Lê Hồng Phong II). Mục đích là tiêu
diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường thông với các nước
xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.
Ngày 16/9/1950, quân ta đánh trận
mở đầu, diệt cụm cứ điểm Đông Khê. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 03/ 10/1950
địch vội cho quân ở Cao Bằng rút chạy, đồng thời huy động quân ở Thất Khê lên ứng
cứu. Bộ đội ta liên tiếp đánh chặn trong 2 ngày 7 và 08/10/1950 lần lượt tiêu
diệt 2 binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sáctông ở núi Cốc Xá và điểm cao 477. Thừa thắng,
quân ta chuyển sang tiến công giải phóng một dải biên giới dài 100km từ Đồng
Đăng (Lạng Sơn) đến Đình Lập, An Châu, Tiên Yên (Quảng Yên).
2.4.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (13/3 đến 07/5/1954)
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở
đợt tiến công lần thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lần lượt tiêu diệt
các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bức quân địch ở Bản Kéo đầu hàng, mở thông cửa vào
trung tâm tập đoàn cứ điểm. Ngày 30/3/1954, ta mở đợt tiến công lần thứ 2 diệt
các cứ điểm phía Đông, cuộc chiến đấu giành đi giật lại giữa ta và địch rất quyết
liệt. Vòng vây của quân ta khép chặt dần, hãm quân địch vào tình thế rất khốn đốn.
Ngày 01/5/1954, đợt tiến công thứ 3 bắt đầu; quân ta lần lượt đánh chiếm các cứ
điểm phía đông và phía tây, bẻ gãy các cuộc phản kích của địch. Ngày 07/5/1954,
bộ đội ta tổng công kích tiêu diệt toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ.
2.5. Phong trào “Đồng Khởi” ở Miền
Nam (Cuối năm 1959 đầu 1960):
Cuối năm 1959, nhân dân nhiều xã ở
huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) cùng với trung đội vũ trang tập trung đầu tiên của
tỉnh đã nổi dậy khởi nghĩa diệt ác, trừ gian, giành chính quyền ở một số thôn
xã, mở ra một giai đoạn đấu tranh mới và những ngày sau đó, nhân dân các huyện
Mõ Cày, Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương đã nhất
loạt nổi dậy, phá vỡ hoặc làm tê liệt chính quyền ấp, xã của địch, thành lập Ủy
ban nhân dân tự quản.
Sau đó, phong trào"Đồng Khởi"
đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh ở Nam bộ, Tây Nguyên và Miền tây các tỉnh khu 5, tạo thành một vùng căn cứ rộng lớn.
Nhiều đơn vị dân quân du kính và bộ đội địa phương tỉnh, huyện đã hình thành và
phát triển trong phong trào "Đồng Khởi".
2.6. Chiến thắng Ấp Bắc
(02/01/1963):
Được tin có một lực lượng vũ trang
cách mạng mới về Ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, ngày
02/01/1963, Mỹ - Ngụy liền mở một cuộc càn lớn mang tên "Đức Thắng
1-63". Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân sau một ngày chiến đấu ta đã
chiến thắng.
2.7. Đánh bại cuộc chiến tranh phá
hoại lần thứ I của đế quốc Mỹ (07/02/1965 đến 16/11/1968) ở Miền Bắc Việt Nam:
Ngày 07/02/1965, đế quốc Mỹ dùng
không quân mở chiến dịch "mũi lao lửa" và từ ngày 02/3/1965 gọi là
chiến dịch "Sấm rìu" đánh phá liên tục miền Bắc, mở đầu cuộc chiến
tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc.
Quân và dân miền Bắc đã anh dũng
đánh trả địch, giành thắng lợi ngay từ trận đầu, tiếp đó lần lượt đập tan những
bước leo thang của chúng, lập nên những chiến công oanh liệt, tiêu biểu là các
trận:
- Ngày 04/4/1965 lần đầu tiên máy
bay ta bắn rơi máy bay địch.
- Ngày
24/7/1965 lần đầu tiên bộ đội tên lửa ta bắn rơi nhiều máy bay địch.
Trước sự thất bại nặng nề ở miền Bắc
và cả miền Nam, ngày 01/1/1968, Jiôn-xơn phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện
việc ném bom miền Bắc, sau đó chấp nhận họp Hội nghị bốn bên tại Pa-ri.
2.8. Chiến thắng Bình Giã (12/1964
đến 1965):
Một đơn vị Quân giải phóng tham
gia chiến đấu tại Bình Giã (Bà Rịa-Vũng Tàu), tháng 12-1964.
Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa
đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực ta và báo hiệu thất bại của các
biện pháp chiến thuật "Trực thăng vận" và "Thiết xa vận" của
Mỹ - Ngụy trong "Chiến tranh đặc biệt".
2.9. Chiến thắng Vạn Tường
(18/8/1965):
Sáng 18/8/1965, Mỹ Ngụy mở cuộc
hành quân "Ánh sao sáng" nhằm vào thôn Vạn Tường (Quảng Ngãi) với ý đồ
diệt một đơn vị chủ lực ta, gây uy thế cho lính thuỷ đánh bộ Mỹ. Cuộc hành quân
"Tìm diệt" quy mô lớn của quân viễn chinh Mỹ bị đánh bại.
2.10. Chiến dịch Plây-me (19/10 đến
26/11/1965):
Từ 19/10 đến 16/11/1965, bộ đội ta
tấn công cứ điểm Plây-Me, buộc quân địch ra ứng cứu. Ta đánh quân tiếp viện địch
ở thung lũng I-a-đơ-răng, buộc quân Mỹ phải vào ứng cứu. Quân ta tập kích đánh
phủ đầu diệt quân Mỹ. Sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ cơ động bằng máy bay lên thẳng
lần đầu tiên xuất hiện ở miền Nam đã bị đánh bại.
2.11. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy
tết Mậu Thân (30/01 đến 31/3/1968):
Ngày 30 và 31/01/1968, quân và dân
miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã,
đánh vào sào huyệt cơ quan đầu não của địch, tấn công hàng loạt căn cứ quân sự,
sân bay, bến cảng, kho tàng và hệ thống giao thông của chúng. Ở Sài Gòn - Gia Định,
ta tiến công nhiều mục tiêu quan trọng: tòa đại sứ Mỹ, Dinh Tổng thống Ngụy, Bộ
Tổng Tham mưu Ngụy, Tổng nha cảnh sát, Đài phát thanh… Ở Huế, ta đánh chiếm 39
mục tiêu quan trọng, làm chủ hầu hết thành phố và chốt giữ 25 ngày đêm, thành lập
chính quyền cách mạng.
Phối hợp với mũi tiến công quân sự,
nhân dân nhiều vùng nông thôn và đô thị đã nổi dậy diệt ác trừ gian, giải tán
dân vệ, phá vỡ hàng rào "Ấp chiến lược". giành quyền làm chủ. Đây là đòn quyết định làm phá sản chiến
lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược
của chúng, buộc chúng phải "xuống thang chiến tranh", tạo ra bước ngoặc
mở đầu thời kỳ đi xuống về chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm
lược Việt Nam.
2.12.
Chiến thắng Bầu Bàng - Dầu Tiếng (tháng 11/1965):
Chiến thắng Bầu Bàng - Dầu Tiếng củng
cố niềm tin đánh thắng Mỹ, mở ra phong trào "Tìm Mỹ mà diệt, nắm thắt lưng
Mỹ mà đánh" trong các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.
2.13. Chiến dịch Đường 9 Nam Lào
(từ 30/01 đến 23/3/1971):
Dự tính năm 1971 Mỹ Ngụy sẽ mở 3
cuộc hành quân lớn mang tên "Lam Sơn 719" đánh lên khu vực Đường 9 -
Nam Lào.
Ngay từ đầu, địch đã bị ta chận
đánh, ở đâu chúng cũng bị đánh. Lực lượng tại chổ của ta phối hợp chặt chẽ với
các lực lượng Pa Thet Lào đã liên tiếp tấn công địch. Sau hơn 1 tháng chiến đấu
trong đó có nhiều trận đánh ác liệt giữa chủ lực ta với chủ lực cơ động Ngụy ở
Bắc Đường 9. Đầu tháng 3/ 1971, bộ đội ta chuyển sang tiến công trên toàn mặt
trận, bao vây, truy kích tập đoàn quân địch ở Bản Đông, tiêu diệt nhiều quân địch.
2.14. 17 cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường
miền Nam năm 1972:
Ngày 30/3/1972, bộ đội ta bắt đầu
mở cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường Trị Thiên, miền Đông Nam bộ, Tây
Nguyên, Đồng bằng khu 5 và Nam bộ. Kết quả, ta giải phóng toàn tỉnh Quảng Trị,
phần lớn tỉnh Kon-Tum, bắc Bình Định, một khu vực rộng lớn các tỉnh Tây Ninh,
Bình Long, Phước Long, một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long và khu 5, giải
phóng và giành quyền làm chủ hơn 1 triệu dân.
2.15.
Quân và dân miền Bắc đánh bại Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ
(06/4/1972 đến 15/01/1973):
Ngày 06/4/1972, đế quốc Mỹ huy động
lực lượng lớn không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá trở lại miền
Bắc với quy mô lớn, ác liệt hơn lần trước. Ngày 09/5, chúng tiến hành phong tỏa
các cảng và các vùng biển miền Bắc, đánh phá các cơ sở kinh tế và quốc phòng của
ta. Trước tình hình đó, quân và dân miền Bắc đã nhanh chóng chuyển mọi hoạt động
vào thời chiến với tinh thần chiến đấu dũng cảm và cách đánh mưu trí tài giỏi.
Cay cú trước những thất bại nặng nề,
đêm 18/12/1972, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược
quy mô lớn nhất, mang tên "chiến dịch lai-nơ bếch-cơ li" vào miền Bắc.
Chúng tập trung một số lượng lớn máy bay, chủ yếu là B52 đánh vào Hà Nội, Hải
Phòng và một số khu vực khác trên miền Bắc. Một
lần nữa, quân dân miền Bắc anh dũng chiến đấu, trừng trị đích đáng không quân Mỹ,
đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của địch ở Hà Nội, Hải
Phòng.
2.16.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975:
Ngày 04/3/1975 bộ đội ta mở chiến
dịch Tây Nguyên.
Sau một số trận đánh tạo thế và
nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11/3, quân ta tiến công bằng sức mạnh binh chủng
hợp thành, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.
Phát huy thắng lợi, ngày 21/3/1975
ta mở chiến dịch tiến công Huế-Đà Nẵng. Từ
ngày 21 đến 26/3, ta tiến công chia cắt Huế-Đà Nẵng. Sau bốn ngày chiến đấu, ta giải phóng Thừa Thiên - Huế, tiếp
đó giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (25/3). Từ 27 đến 29, ta phát triển tiến công giải
phóng Đà Nẵng.
Phối hợp với chiến dịch Huế - Đà Nẵng,
từ Tây Nguyên bộ đội ta tiến xuống hỗ trợ lực lượng vũ trang và nhân dân địa
phương giải phóng các tỉnh Bình Định (ngày 01/4) Phú Yên (ngày 01/4) và Khánh
Hoà (ngày 03/4).
Trên cơ sở những thắng lợi có ý
nghĩa quyết định, ngày 04/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí
Minh nhằm giải phóng hoàn toàn Sài Gòn và miền Nam Việt Nam.
Ngày 26/4, quân ta bắt đầu nổ súng
tiến công mạnh và đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài
của địch.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ
Tổ Quốc tung bay trước Tòa nhà chính của Dinh Độc lập. Miền Nam hoàn toàn được
giải phóng.
Câu 3: Truyền thống chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của
Quân đội nhân dân Việt Nam?
Trả lời
Truyền thống chiến đấu và chiến thắng
vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam:
Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của
dân tộc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đã ghi dấu ấn rực rỡ với
truyền thống chiến đấu vẻ vang, kiên cường bất khuất. Truyền thống ấy được hun
đúc từ những ngày đầu thành lập, từ chiến thắng Phai Khắt và Nà Ngần, đến thắng
lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, rồi chiến thắng "Điện Biên Phủ trên
không" oai hùng, và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
Truyền thống ấy không chỉ là di sản
quý báu của cha ông, mà còn là ngọn đuốc soi đường, dẫn lối cho thế hệ mai sau
tiếp bước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hôm nay, hãy cùng ôn lại chặng đường lịch
sử hào hùng và khám phá những giá trị cốt lõi của truyền thống chiến đấu
QĐNDVN.
Nguồn gốc và sự hình thành truyền
thống chiến đấu QĐNDVN:
1.1.
Truyền thống chống giặc ngoại xâm
của dân tộc Việt Nam
Nắm bắt thời cơ thuận lợi, Đội Việt
Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời vào ngày 22-12-1944, đánh dấu bước ngoặt
lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng,
đội quân non trẻ đã kế thừa và phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm của
dân tộc ta, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh thần yêu nước với nghệ thuật quân sự
độc đáo.
1.2. Hai chiến thắng đầu tiên:
Phai Khắt và Nà Ngần
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
"trận đầu phải thắng", đội quân đã táo bạo tiến công đồn Phai Khắt và
Nà Ngần, tạo nên những chiến thắng vang dội.
Hai chiến thắng này đã khẳng định sức mạnh của
chiến tranh du kích, mở đầu cho truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng,
đánh thắng ngay trận đầu của QĐNDVN.
1.3. Từ "Quyết chiến, Quyết
thắng" đến "Bộ đội Cụ Hồ"
Từ chiến thắng này, tinh thần
"Quyết chiến, Quyết thắng" đã được củng cố và phát triển, trở thành
kim chỉ nam cho mọi hoạt động của QĐNDVN.
Hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ"
với phẩm chất cao đẹp, trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng xả
thân vì độc lập tự do của Tổ quốc cũng được hình thành từ giai đoạn này.
2. Truyền thống đoàn kết quốc tế của
QĐNDVN:
2.1.
Tăng cường hợp tác với các nước láng giềng
QĐNDVN luôn chủ động tăng cường hợp
tác, củng cố tình đoàn kết với các nước láng giềng, khu vực và nhiều quốc gia
trên thế giới.
Việc hợp tác này không chỉ góp phần
xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc, mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam
trên trường quốc tế.
2.2. Ủng hộ phong trào chống áp bức,
bóc lột
QĐNDVN luôn kiên định ủng hộ phong
trào chống áp bức, bóc lột, cường quyền, vì mục tiêu hoà bình, tiến bộ của nhân
loại.
Sự ủng hộ này thể hiện tinh thần
quốc tế cao cả, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc
tế.
2.3. Đấu tranh chống "diễn biến
hòa bình"
QĐNDVN luôn chủ động, kiên quyết đấu
tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", "phi
chính trị hóa Quân đội" của các thế lực thù địch, phản động.
Cuộc đấu tranh này góp phần bảo vệ
độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
3.
Xây dựng tổ chức đảng trong QĐNDVN
3.1. Vai trò lãnh đạo của Đảng
trong QĐNDVN
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ
vai trò lãnh đạo tuyệt đối trong QĐNDVN, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi.
Các tổ chức đảng trong QĐNDVN được
xây dựng trong sạch vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu
cao.
3.2. Đoàn kết nội bộ và phát huy
dân chủ
QĐNDVN luôn chú trọng xây dựng
tinh thần đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ
tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đơn vị.
Sự đoàn kết, dân chủ góp phần nâng
cao sức mạnh chiến đấu và hiệu quả hoạt động của QĐNDVN.
3.3. Nâng cao chất lượng chính trị
và quân sự
QĐNDVN luôn chú trọng nâng cao chất
lượng chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ, đồng thời không ngừng
học tập, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào huấn luyện, sẵn
sàng chiến đấu.
Việc nâng cao chất lượng chính trị
và quân sự giúp QĐNDVN thích ứng với mọi tình hình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
được giao.
4. Truyền thống chiến đấu và chiến
thắng trong các cuộc kháng chiến
4.1. Kháng chiến chống Pháp
(1945-1954)
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954
là minh
chứng hùng hồn cho sức mạnh của
chiến tranh nhân dân, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp xâm lược.
4.2. Kháng chiến chống Mỹ
(1954-1975)
Chiến thắng "Điện Biên Phủ
trên không" năm 1972 thể hiện ý chí sắt đá, lòng dũng cảm và tinh thần
sáng tạo của QĐNDVN.
Đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất
đất nước là đỉnh cao chói lọi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, kết thúc 30
năm trường kỳ kháng chiến.
4.3. Bảo vệ Tổ quốc sau chiến
tranh
QĐNDVN tiếp tục phát huy truyền thống
chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo, thềm lục địa, vùng trời của Tổ
quốc.
Quân đội tham
gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống
thiên tai, cứu hộ cứu nạn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
5. Bài học kinh nghiệm và phát huy
truyền thống
5.1. Bài học về lãnh đạo của Đảng
Vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực
tiếp của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung,
và QĐNDVN nói riêng.
5.2. Bài học về sức mạnh của khối
đại đoàn kết
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc là
nguồn sức mạnh vô song, giúp QĐNDVN vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
5.3. Phát huy truyền thống trong
thời đại mới
Trong bối cảnh đất nước hội nhập
quốc tế, QĐNDVN cần tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phẩm chất cao đẹp
của "Bộ đội Cụ Hồ", kiên trì xây dựng, phát triển mối quan hệ đoàn kết
hữu nghị với quân đội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc,
dân chủ và tiến bộ xã hội trong khu vực và trên thế giới.
Câu 4: Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ của
Quân đội nhân dân Việt Nam được biểu hiện như thế nào?
Trả lời
Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của
Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa
xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo
QĐND Việt Nam không nhằm mục đích nào khác là để quân đội có bản chất giai cấp
công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, cùng với toàn Đảng, toàn dân
thực hiện mục tiêu, lý tưởng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội,
vì hạnh phúc của nhân dân. Sự trung thành vô hạn của quân đội ta đối với Đảng,
với Tổ quốc, với nhân dân được thể hiện rất rõ nét ở lòng trung thành, luôn sẵn
sàng, tự nguyện chiến đấu, hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng cao cả đó.Thực tiễn hơn
70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta đã chứng tỏ, sự lãnh đạo,
giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với
Quân đội ta, mà trước hết ở việc quán triệt, xây dựng mục tiêu lý tưởng chiến đấu
cho quân đội đã góp phần tạo lập nên bản lĩnh vững vàng, kiên định và động lực
to lớn cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn quân nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng,
đoàn kết một lòng, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ
thù nào cũng đánh thắng”. Phẩm chất cao đẹp nhất của Quân đội ta là trung với Đảng,
hiếu với dân đã trở thành nét truyền thống vẻ vang, cũng được hình thành, phát
triển bền vững từ sự giác ngộ sâu sắc và trung thành với mục tiêu lý tưởng vì độc
lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Câu 5: Phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam
trong thời kỳ mới?
Trả lời:
Phương hướng xây dựng Quân đội
nhân dân Việt Nam là:
1.Xây dựng về chính trị - tinh thần.
Xây dựng quân đội vững mạnh về
chính trị - tinh thần là nguyên tắc trong xây dựng quân đội, là cơ sở để nâng
cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân, thể hiện
quan điểm coi yếu tố con người là quyết định thắng, bại trên chiến trường. Xây
dựng về chính trị - tinh thần nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản
lý Nhà nước, giữ vững bản chất giai cấp, tính dân tộc, tính nhân dân của quân đội.
Sức mạnh chiến đấu về chính trị - tư tưởng của lực lượng vũ trang Việt Nam còn
được thể hiện ở ý chí phấn đấu vươn lên làm chủ khoa học - kỹ thuật quân sự hiện
đại, thể hiện tinh thần dám đánh và biết thắng.
2.Tổ chức,biên chế và xây dựng nguồn
nhân lực.
Trong thời bình, Việt Nam chủ
trương tiếp tục giảm quân số thường trực, xây dựng lực lượng dự bị động viên
phù hợp đáp ứng các yêu cầu khi có tình huống khẩn cấp hoặc chiến tranh. Lực lượng
thường trực của quân đội được giữ ở mức độ hợp lý, tinh gọn, bảo đảm sức chiến
đấu. Thực hiện giảm các đầu mối, từng bước chuyển giao một số hoạt động bảo đảm
cho các cơ quan, tổ chức dân sự, cơ cấu lại biên chế lực lượng vũ trang theo hướng
ưu tiên cho các đơn vị chiến đấu, các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng,
các quân chủng, binh chủng kỹ thuật là những định hướng cơ bản về tổ chức và
biên chế lực lượng vũ trang nói chung và quân đội nói riêng.
3.Huấn luyện.
Trong thời
bình, đi đôi với xây dựng về mặt chính trị - tinh thần, huấn luyện quân sự là
công việc tất yếu để tăng cường sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực
lượng vũ trang. Quân đội nhân dân Việt Nam coi trọng huấn luyện kỹ năng chiến đấu
cá nhân, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, phát huy tính năng, hiệu quả của
các loại vũ khí, trang bị hiện có bằng nghệ thuật quân sự Việt Nam, đồng thời
coi trọng việc nâng cao kiến thức về công nghệ quân sự hiện đại; đổi mới nội
dung, chương trình và phương pháp huấn luyện cho phù hợp với qui mô tổ chức,
trang bị và điều kiện thực tế của từng thứ quân, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ
chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Đổi mới toàn diện công tác huấn
luyện. Thực hiện tốt phương châm huấn luyện: "cơ bản, thiết thực, vững chắc",
coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, sát yêu cầu,
nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của từng lực lượng, từng đơn vị; phù hợp với tổ chức
biên chế, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong huấn luyện phải coi trọng
huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ các cấp; diễn tập tìm kiếm cứu nạn, cứu
hộ, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; chống khủng bố..., bảo đảm cho
các đơn vị xử lý tốt các tình huống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
4.Vũ khí,trang bị kỹ thuật,hậu cần.
5.Xây dựng phát triển khoa học
quân sự.
6.Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc
tế về quốc phòng.
Câu 6: Cơ cấu tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện
nay như thế nào?
Trả lời
Về cơ cấu tổ chức, Quân đội nhân
dân Việt Nam bao gồm
Tổ chức và hệ thống tổ chức
của Quân đội Nhân dân Việt Nam
a/ Tổ chức của Quân đội
Nhân dân Việt Nam
QĐND Việt Nam của nước
CHXHCN Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng
cộng sản Việt Nam, thuộc quyền thống lĩnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và
chỉ huy điều hành của Bộ trưởng Bộ quốc phòng.
QĐND Việt Nam gồm:
1. Bộ
đội chủ lực; Bộ đội địa phương; Bộ đội biên phòng.
2. Lực
lượng thường trực và lực lượng dự bị.
Được
tổ chức theo một hệ thống thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở.
b/ Hệ thống tổ chức của
Quân đội Nhân dân Việt Nam
1. Bộ
Quốc phòng.
2. Các
cơ quan Bộ quốc phòng.
3. Các
đơn vị thuộc Bộ quốc phòng.
4. Các
bộ, ban chỉ huy quân sự.
Câu 7: Ngày hội Quốc phòng toàn dân được Ban Bí thư Trung
ương Đảng quyết định vào ngày, tháng, năm nào? Ý nghĩa của Ngày hội Quốc phòng
toàn dân?
Trả lời
Thực hiện đường lối đổi mới đất nước
do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và thể theo nguyện vọng của nhân dân cả nước,
ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa VI ra Chỉ thị quyết
định lấy ngày 22 tháng 12 - Ngày thành lập QĐND Việt Nam đồng thời là Ngày hội
Quốc phòng toàn dân.Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để tuyên truyền sâu rộng
truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”,
giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; từ đó nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của toàn dân trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn
với thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, cổ vũ, động viên toàn dân chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân
dân vững mạnh trên từng địa phương, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh
trong tình hình mới.
Câu 8: Đồng chí (anh, chị) hãy nêu quyền và nghĩa vụ của
công dân về quốc phòng; các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng được
quy định trong Luật Quốc phòng năm 2018?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 5, Luật Quốc
phòng như sau:
1. Bảo vệ Tổ
quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.
2. Công dân có nghĩa vụ trung
thành với Tổ quốc; phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; có nghĩa vụ tham gia
dân quân tự vệ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; chấp hành biện pháp của Nhà
nước và người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của
luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Công dân
được tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; giáo dục quốc phòng và an ninh; trang bị
kiến thức, kỹ năng về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật.
4. Công dân phục vụ trong lực lượng
vũ trang nhân dân hoặc được huy động làm nhiệm vụ quốc phòng thì bản thân và
thân nhân được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
5. Công dân bình đẳng trong thực
hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Câu 9: Đồng chí (anh, chị) hãy khái quát những điểm cơ bản
trong Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015?
Trả lời
1. Về NVQS: Luật NVQS năm
2015 quy định: Công dân không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng,
tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú, trong độ tuổi thực hiện
NVQS phải thực hiện NVQS theo quy định của Luật này.
- Nghĩa vụ phục vụ tại ngũ: Công
dân nam trong độ tuổi thực hiện NVQS có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong QĐND;
công dân nữ trong độ tuổi thực hiện NVQS trong thời bình nếu tự nguyện và quân
đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.
2. Về chức vụ, cấp bậc quân hàm hạ
sĩ quan, binh sĩ: Điều 8, Luật NVQS năm 2015 quy định đầy đủ chức vụ, cấp
bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ để thực hiện thống nhất và đảm bảo chế độ
phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
3. Về quyền và nghĩa vụ của hạ sĩ
quan, binh sĩ: Luật NVQS quy định quyền, nghĩa vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ phải
thực hiện đối với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt
Nam. Đây là nội dung cơ bản, thể hiện bản chất và yêu cầu của người quân nhân
cách mạng phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để giữ vững bản chất cách mạng
của quân nhân.
4. Về đăng ký NVQS và quản lý công
dân trong độ tuổi thực hiện NVQS: Luật quy định cụ thể về nguyên tắc đăng ký
NVQS và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS; đối tượng đăng ký NVQS;
đối tượng không được đăng ký NVQS; đối tượng miễn đăng ký NVQS; cơ quan đăng ký
NVQS; đăng ký NVQS lần đầu; đăng ký NVQS bổ sung, khi thay đổi nơi cư trú, nơi
làm việc, học tập, tạm vắng; đăng ký miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, đăng
ký phục vụ trong ngạch dự bị và đưa ra khỏi danh sách đăng ký NVQS.
Việc đăng ký NVQS phải được thực
hiện chặt chẽ và tiến hành tại cấp xã
nơi công dân cư trú hoặc cơ quan,
tổ chức nơi công dân làm việc.
5. Về nhập ngũ:
- Độ tuổi gọi nhập ngũ: Công dân
nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18
tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được
tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
- Thời điểm gọi công dân nhập
ngũ: Luật quy định thời điểm gọi công dân nhập ngũ được thực hiện vào tháng 2
hoặc tháng 3 hàng năm.
- Tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời
bình: Đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đang được đào tạo trình độ đại
học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy
thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian 1 khóa đào tạo của 1 trình độ
đào tạo. Đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang được đào tạo trình
độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ
chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi nhập
ngũ. Đối với công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các
trường thuộc cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ thì được
gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả, sau khi hoàn thành NVQS tại ngũ sẽ được tiếp
nhận để học tập. Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với một con của bệnh binh, người nhiễm
chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 61 - 80%.
6. Về chế độ, chính sách và ngân
sách bảo đảm trong việc thực hiện NVQS: Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ
tại ngũ từ tháng thứ 13 trở đi, mỗi năm được nghỉ phép 1 lần; từ tháng thứ 25
trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng; được tạm
hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng CSXH mà trước khi
nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật;
được Nhà nước bảo đảm chế độ BHXH, BHYT; trong thời gian phục vụ tại ngũ lập được
thành tích trong chiến đấu, công tác, huấn luyện được khen thưởng; nếu bị
thương, bị bệnh hoặc hy sinh, từ trần thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ
ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Khi xuất ngũ, được trợ cấp xuất
ngũ, tiền tàu xe, phụ cấp đi đường; được trợ cấp tạo việc làm; trước khi nhập
ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các nhà trường được bảo lưu kết
quả và tiếp nhận vào học tại các trường; được ưu tiên trong tuyển sinh, cộng điểm
trong thi tuyển công chức, viên chức và sắp xếp việc làm; trong thời gian tập sự
được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ
đào tạo...
Câu 10. Vinh dự,
trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay
(không quá 3000 từ)
Trả lời:
Sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc là
nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách cao cả của mỗi công dân Việt Nam. Trong bối
cảnh mới, với những thách thức và nguy cơ tiềm ẩn, việc phát huy sức mạnh toàn
dân để bảo vệ Tổ quốc càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bài viết này sẽ
phân tích tầm quan trọng của sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, đồng thời khẳng
định vinh dự và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc góp phần xây dựng và bảo
vệ đất nước.
Là một người con đất Việt, ai ai cũng
biết rằng Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước lâu đời, được hun
đúc và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Tình yêu đất nước là nền tảng
tinh thần của mỗi người dân, là động lực to lớn để họ cống hiến, bảo
vệ Tổ quốc. Lòng yêu nước thể hiện qua nhiều hành động thiết thực, như học
tập, lao động, tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc
văn hóa dân tộc.
Là một người lính đứng trong hàng ngũ
của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Bí thư Chi đoàn cơ sở, tôi luôn mang trong mình
niềm tự hào và ý thức trách nhiệm cao cả trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trải
qua chiều dài lịch sử, bản thân đã không ngừng kế thừa và phát huy truyền thống
yêu nước, anh dũng kiên cường, sẵn sàng cống hiến, hy sinh để bảo vệ Đảng, Nhà
nước - bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.
I.
Vinh dự, trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa
1. Vinh dự của bản thân đối với sự nghiệp quốc
phòng, bảo vệ Tổ quốc
1.1. Được tiếp nối truyền thống vẻ
vang của dân tộc
Truyền
thống yêu nước và bất khuất của dân tộc đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch
sử. Trải qua bao cuộc chiến tranh “vệ quốc” cam go, thế hệ cha anh đã không tiếc
máu xương, hy sinh cả tuổi thanh xuân để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc.
Là thế hệ con cháu, được hưởng thành quả cách mạng cao đẹp ấy, tôi luôn cảm thấy
tự hào và vinh dự khi được tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang ấy.
1.2. Góp phần bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
Bất
kỳ quốc gia nào cũng luôn đặt việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và toàn vẹn lãnh hải
lên hàng đầu. Là công dân của một quốc gia độc lập, mỗi cá nhân đều có quyền và
nghĩa vụ tham gia vào sự nghiệp này. Việc tham gia vào lực lượng vũ trang, cống
hiến sức lực và trí tuệ để bảo vệ Tổ quốc chính là một vinh dự lớn lao đối với
tôi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phát triển và thịnh vượng.
1.3. Rèn luyện bản thân, phát triển phẩm
chất, năng lực
Quá
trình tham gia bảo vệ Tổ quốc cũng chính là quá trình rèn luyện bản thân, nâng
cao phẩm chất đạo đức và năng lực của mỗi cá nhân như tôi. Cuộc sống quân ngũ với
kỷ luật nghiêm minh, môi trường rèn luyện khắc nghiệt giúp tôi rèn luyện tính kỷ
luật, tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm, lòng yêu nước và ý chí kiên cường.
Bên cạnh đó, tôi còn được học hỏi và phát triển kỹ năng, kiến thức chuyên môn,
góp phần nâng cao trình độ của bản thân, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp bảo vệ Tổ
quốc.
1.4. Nhận được sự tin tưởng và yêu quý
từ gia đình, xã hội
Việc
cống hiến sức trẻ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước của mỗi cá nhân nói chung
và tôi sẽ nhận được sự tin tưởng, yêu quý và trân trọng của gia đình, xã hội. Bởi
đó là nguồn động lực to lớn, là hậu phương vững chắc để tôi hoàn thành tốt nhiệm
vụ bảo vệ Tổ quốc. Sự tin tưởng và yêu quý từ gia đình, xã hội chính là nguồn động
viên tinh thần to lớn, giúp tôi thêm vững bước trên con đường cống hiến cho
Quân đội và cho đất nước.
1.5. Cơ hội cống hiến và khẳng định bản
thân
Tham
gia lực lượng vũ trang không chỉ là bảo vệ Tổ quốc, mà còn là cơ hội để khẳng định
bản thân, cống hiến tài năng cho đất nước. Quân đội là môi trường năng động,
sáng tạo, luôn tạo điều kiện cho các thành viên được phát huy hết khả năng của
mình. Với kiến thức chuyên môn và năng lực được bồi dưỡng, tôi có cơ hội được
áp dụng vào thực tế, đóng góp công sức vào việc phát triển kinh tế - xã hội,
nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
1.6. Gắn bó với cộng đồng, chung tay
xây dựng đất nước
Bên
cạnh nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, lực lượng vũ trang còn tích cực tham gia vào các
hoạt động xã hội, chung tay cùng người dân xây dựng quê hương đất nước. Từ việc
giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng nông thôn mới, phát triển
kinh tế - xã hội vùng khó khăn cho đến tham gia công tác phòng chống dịch bệnh,
cứu hộ cứu nạn... Lực lượng vũ trang luôn có mặt để hỗ trợ người dân, thể hiện
trách nhiệm của người lính. Minh chứng sáng cho vấn đề này là một loạt các hoạt
động của chi đoàn Bảo tàng Hậu cần/ Cục Chính trị/ Tổng cục Hậu cần tham gia hỗ
trợ người dân trong thời điểm dịch covid bùng phát năm 2021, 2022.
2.
Trách nhiệm và nhiệm vụ của bản thân đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc
hiện nay
Hoạt động quốc phòng bao gồm nhiều
hình thức, như tham gia dân quân tự vệ, tham gia huấn luyện quân sự, tham
gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa
dân tộc. Mỗi người dân đều có trách nhiệm đối với sự nghiệp quốc
phòng, bảo vệ Tổ quốc. Ý thức, trách nhiệm thể hiện qua việc chấp hành nghiêm
chỉnh Hiến pháp và pháp luật, tham gia hoạt động quốc phòng, rèn luyện sức
khỏe - ý chí - tinh thần, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật
tích cực tham gia xây dựng đất nước giàu mạnh. Đất nước phát triển, quốc
phòng vững mạnh là mơ ước của mỗi người dân Việt Nam với sự nghiệp bảo
vệ Tổ quốc. Để nâng cao trách nhiệm bản thân xác định:
2.1. Trau dồi kiến thức, rèn luyện sức
khỏe, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ
Với
vai trò là quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi không ngừng nỗ lực
trau dồi kiến thức, rèn luyện sức khỏe, nâng cao ý thức cảnh giác và tinh thần
sẵn sàng chiến đấu. Bởi trau dồi kiến thức giúp tôi có những hiểu biết sâu rộng,
nắm vững những kiến thức về quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, rèn luyện sức khỏe
giúp tôi có nền tảng thể lực tốt, đủ sức khỏe để thực hiện các nhiệm vụ được
giao. Tôi tin rằng với lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và những kiến thức,
kỹ năng đã được bồi dưỡng, tôi sẽ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ khi được tổ chức
giao, đóng góp sức trẻ của mình để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
2.2. Luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng bảo
vệ chủ quyền biển, đất liền của Tổ quốc
Bảo
vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải là mục tiêu
cao nhất của sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia và mang lại cuộc sống
hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình
khu vực và thế giới, đặc biệt là những thách thức về chủ quyền biển, đảo, tôi
luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Luôn cập nhật thông tin thời sự, nâng cao nhận thức về tình hình biển, đảo của
Tổ quốc, sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đất liền khi có yêu cầu của
đơn vị, kịp thời tố cáo khi phát hiện các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia
trên không gian mạng cũng như trong cuộc sống đời thực.
2.3. Tham gia tích cực vào các hoạt động
bảo vệ môi trường và an ninh trật tự.
Môi
trường là nơi sống của con người. Môi trường bị ô nhiễm sẽ ảnh
hưởng đến sức khỏe của con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế
- xã hội. Mỗi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo
vệ cuộc sống của chính mình và thế hệ mai sau. Bảo vệ môi trường quan trọng là
thế song không thể chỉ bảo vệ môi trường mà chúng ta cần phải giữ gìn an ninh
trật tự. Trật tự là điều kiện cần thiết để xây dựng đất nước
phát triển. Mỗi người dân đều có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật
tự, bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi nhà.
Là Bí thư chi đoàn, tôi cùng các đoàn
viên tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường như: trồng cây xanh,
bảo vệ động vật, thu gom rác thải để vào nơi quy định, tiết kiệm điện nước,
tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Chi đoàn do
tôi phụ trách phối hợp với chi đoàn tổ dân phố tham gia các phong trào bảo vệ
an ninh trật tự khu dân cư, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, góp phần tạo môi
trường xã hội ổn định và phát triển.
2.4. Nâng cao tinh thần yêu nước, đoàn
kết và ý thức trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc
Thực hiện lời dạy của Người: “Các vua
Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; “Đoàn kết,
đoàn kết, đại đoàn kết…”. Đoàn kết là sức mạnh vô địch của dân tộc Việt
Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân ta luôn đoàn kết một
lòng, vượt qua mọi thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù. Tinh thần đoàn kết được
thể hiện qua sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chung sức xây dựng đất
nước giàu mạnh. Dân tộc Việt Nam luôn kết đoàn để bảo vệ Tổ quốc,
bảo vệ độc lập, tự do. Bản thân tôi luôn thầm nhủ mình phải học Bác một đời, học
Bác mãi mãi. Vâng, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cần sự đoàn kết, đồng lòng của toàn
dân. Tôi tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chung tay xây dựng quê hương đất
nước, thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết và trách nhiệm với Tổ quốc. Nâng
cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng
tham gia bảo vệ đất nước khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, tôi lan tỏa tinh thần yêu
nước, truyền thống cách mạng cho con, cháu, thế hệ trẻ, góp phần giáo dục, bồi
dưỡng lý tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thế hệ mai sau.
2.5. Phát huy truyền thống yêu hòa
bình, xây dựng tình hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới
Xây dựng tình hữu nghị, hợp tác với
các nước trên thế giới là xu hướng tất yếu của thời đại, góp phần củng cố hòa
bình, ổn định, phát triển cho khu vực và thế giới. Là một quân nhân trong Quân
đội nhân dân Việt Nam, tôi ý thức được trách nhiệm của mình trong việc phát huy
truyền thống yêu hòa bình, tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế với bạn
bè, đối tác nước ngoài ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tôi tích cực tham
gia các hoạt động giao lưu quốc tế trên môi trường internet, thể hiện tinh thần
hữu nghị và hợp tác của bản thân nói riêng và Việt Nam với các nước bạn nói
chung.
2.6. Ý chí kiên cường, lòng dũng cảm
vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng kẻ thù xâm lược
Với ý chí kiên cường, bất khuất và
lòng dũng cảm, trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, nhân dân ta
đã chiến thắng nhiều kẻ thù hùng mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, tự
do của Tổ quốc. Với truyền thống ấy, trong cuộc sống ngày nay, mỗi
người đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Ý chí kiên cường và
lòng dũng cảm giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại, đạt được thành
công trong cuộc sống. Ý chí kiên cường cũng là sức mạnh tinh thần.
Lòng dũng cảm là vũ khí lợi hại để chiến thắng và thành
công.
2.7. Giữ vững phẩm chất tốt đẹp về
lòng nhân ái của Bộ đội Cụ Hồ
Lòng nhân ái là truyền thống
tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Xưa kia trong chiến tranh Bác Hồ và các
chiến sĩ đã thể hiện lòng nhân ái không chỉ với nhau mà còn đối với tù binh là
kẻ thù xâm lược. Ngày nay mỗi người dân nói chung và cá nhân tôi, lòng nhân
ái thể hiện qua việc giúp đỡ người nghèo, người khó khăn, bảo vệ
môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Lòng nhân
ái là sức mạnh tinh thần để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất
nước giàu mạnh, văn minh.
2.8 Tuyên truyền, giáo dục về quốc
phòng
Tuyên truyền, giáo dục về quốc
phòng là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao nhận thức của mọi
người về sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Là bí thư chi
đoàn tôi luôn kịp thời triển khai việc học tập, quán triệt, truyên truyền về
các Nghị quyết, chủ trương của Đảng; Nghị quyết, kết luận, chương trình của
Đoàn đến mọi đoàn viên. Trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo vệ vững chắc
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Tóm lại, sự nghiệp quốc
phòng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt
Nam. Mỗi người dân đều có trách nhiệm đóng góp vào sự
nghiệp này. Bằng những hành động thiết thực, chúng ta sẽ góp phần bảo
vệ vững chắc độc lập, tự do của Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn
minh.
Là đảng viên, bí thư chi đoàn để trở
thành một công dân gương mẫu trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, tôi quyết tâm: thực
hiện tốt chức năng, vai trò quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Tuân thủ
pháp luật, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước; Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường, an ninh trật tự;
Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần trách nhiệm để cùng nhau
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mãi trường tồn bất diệt./.
NGƯỜI
VIẾT
Đại úy CN Vũ Văn Dương
0 comments:
Đăng nhận xét