Sáng 20-3, tại Hà Nội, Bảo tàng Hậu Cần (BTHC) đã tổ chức tiếp nhận kỷ vật kháng chiến ngành hậu cần Quân đội.
Hưởng ứng Lễ phát động “Hiến tặng kỷ vật kháng chiến của ngành hậu cần Quân đội” do Tổng cục Hậu cần phát động từ năm 2012, đến nay qua hơn 6 năm phát động, Tổng cục Hậu cần đã tổ chức hơn 10 đợt tiếp nhận kỷ vật tại các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương… và đã tiếp nhận hơn 3000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, các hội cựu chiến binh, ban liên lạc, gia đình tướng lĩnh, các nhân chứng lịch sử trong cả nước…
Nhóm hiện vật của ông Nguyễn Hải Khoát |
Nhóm hiện vật của ông Phan Phú Thái |
| ||
Bộ bàn ghế của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc và tiếp khách từ năm 1978-2009 tại phòng khách nhỏ của Văn phòng Đại tướng. |
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá, Tiến sĩ Đào Hải Triều, Giám đốc BTHC nhấn mạnh: 3 cơ quan đơn vị, 15 nhân chứng lịch sử, trong đó có nhiều đồng chí ở địa phương xa, nhiều đồng chí tuổi cao sức yếu, đang mang trong mình thương tật của chiến tranh nhưng vẫn tâm huyết với ngành hậu cần Quân đội, đã không quản đường xa mang đến hiến tặng cho Bảo tàng 127 hiện vật, 20 hình ảnh, 59 tài liệu. Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với Tổng cục Hậu cần nói chung và cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bảo tàng Hậu cần nói riêng. Những hiện vật này là di sản văn hóa vô cùng to lớn, rất đáng trân trọng, tự hào, tô thắm thêm lịch sử truyền thống vẻ vang của ngành hậu cần Quân đội trong gần 70 năm qua.
Trong đợt tiếp nhận kỷ vật lần này, có nhiều hiện vật đã từng gắn bó với các tướng lĩnh, thương binh, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, vùng căn cứ cách mạng trong suốt quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tiêu biểu, đặc sắc nhất là nhóm hiện vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã đi xa nhưng những kỷ vật, hiện vật của Đại tướng vẫn còn sống mãi với thời gian và được ông Võ Điện Biên, con trai cả của Đại tướng mang đến trao tặng Bảo tàng, trong đó có những kỷ vật đã từng gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của Đại tướng như: Bộ bàn ghế làm việc, cặp công tác, chiếc bút…; trong nhóm kỷ vật của Thiếu tướng Vũ Văn Đôn, nguyên Cục phó Cục Vận tải (TCHC), nguyên Cục trưởng Cục ô tô- Xe máy, Tổng cục Hậu cần, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật có xe ô tô “Quốc tế” hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần. Tháng 12-2018, xe đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Đại tá Nguyễn Việt Chiến, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hậu cần với những hiện vật trao tặng BTHC |
Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần trao bằng chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân trao tặng hiện vật |
Thiếu tướng Vũ Văn Đôn, trong những năm 1949-1950, nguyên là Trưởng Phái đoàn Mậu dịch Thống nhất Bộ Quốc phòng, ông đã chỉ đạo cán bộ, công nhân trong Phái đoàn Mậu dịch vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để tổ chức thu gom, tháo gỡ vật tư, phụ tùng, thiết bị từ các xe bị hỏng của Pháp bỏ lại trong chiến dịch Thu Đông 1947, để tổ chức lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc xe vận tải cơ giới đầu tiên của Quân đội ta và đặt tên là xe ô tô “Quốc tế”..
Trong buổi lễ tiếp nhận, bà Đỗ Thị Ngọ, vợ của Thiếu tướng Vũ Văn Đôn đã mang những kỷ vật của chồng, của cha mình đến trao tặng gồm: Áo khoác quân sự K74, chăn dù, bộ lễ phục …
Trong lễ tiếp nhận lần này còn có nhóm hiện vật gồm: Áo trấn thủ Điện Biên, mảnh khăn dù, chiếc lược tự tạo bằng mảnh xác máy bay Mỹ… của Đại tá Nguyễn Việt Chiến, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hậu cần đầu tiên. Đại tá Nguyễn Việt Chiến năm nay đã 94 năm tuổi, 72 năm tuổi Đảng, là cán bộ tiền khởi nghĩa đã trải qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, Đại tá Nguyễn Việt Chiến đã hiến tặng cho Bảo tàng Hậu Cần những kỷ vật thiêng liêng nhất của mình.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiêu biểu có bộ sưu tập quân trang đi B (hơn 20 loại) của Thượng tá Đặng Xuân Điểu, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Hậu cần và nhiều hiện vật của các cựu chiến binh Cục Hậu cần Miền (B2) và Đại đội C9 xe Anh hùng, Cục Vận tải, TCHC…là những hiện vật giá trị để Bảo tàng Hậu cần lưu giữ, bảo quản và giới thiệu với khách tham quan.
Để phong trào hiến tặng kỷ vật kháng chiến của ngành hậu cần Quân đội thu được nhiều kết quả hơn nữa, lãnh đạo BTHC mong muốn các gia đình, tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh, các cơ quan trong và ngoài quân đội tiếp tục sưu tầm, phục chế, hiến tặng nhiều kỷ vật cho ngành hậu cần Quân đội đạt kết quả cao, góp phần tốt cho việc giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bộ đội, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ thông qua các hiện vật lịch sử.
Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN
0 comments:
Đăng nhận xét